Một đàn sẻ cầu vồng tại Australia. Ảnh: angelo.edu. |
Ở phần lớn loài chim trên hành tinh, giới tính của một quả trứng được quyết định trước khi chim trống thụ tinh. Nhưng Sarah Pryke, một nhà sinh vật học của Đại học Macquarie (Australia), khẳng định những con mái của loài sẻ cầu vồng (Chloebia gouldiae) có thể thay đổi giới tính của chim non. Bà nhận thấy khi chim mái giao phối với con đực không phù hợp, 70% trứng sẽ nở thành con đực.
Sẻ cầu vồng sinh sống ở các khu vực gần nguồn nước, bìa rừng ở miền bắc và miền trung Australia. Người ta gọi chúng là sẻ cầu vồng vì bộ lông của chúng có nhiều màu sắc. Tất cả sẻ cầu vồng đều có lông màu tím ở ngực nên chúng còn được gọi là sẻ ngực tím. Chiều dài thân của sẻ trưởng thành vào khoảng 12-14 cm.
Lông trên đầu sẻ cầu vồng có màu đen, đỏ và vàng, trong đó sẻ đầu đen chiếm khoảng 75%. Chim mái có thể nhận ra con trống phù hợp về gene bằng cách nhìn vào đầu. Nếu màu sắc trên đầu con trống trùng với màu trên đầu con mái thì chúng là cặp đôi phù hợp. Việc giao phối với chim trống có cùng màu sắc trên đầu giúp chim mái đẻ ra những đứa con khỏe mạnh hơn. Trong trường hợp đó, số lượng con đực và con cái trong ổ trứng sẽ bằng nhau.
“Sẻ mái không muốn giao phối với con đực có màu lông trên đầu khác với chúng. Nhưng nhiều con không thể tìm được những con trống có cùng màu lông trên đầu. Vì thế mà khi đẻ trứng chúng phải sử dụng biện pháp tăng số lượng con đực để giảm thiểu rủi ro cho chim non”, Pryke nói.
Sẻ đầu đen chiếm 75% tổng số sẻ cầu vồng, trong khi cứ vài nghìn con mới có một con sở hữu chiếc đầu màu vàng. Ảnh: angelo.edu. |
Để chứng minh rằng chim sẻ mái có thể kiểm soát giới tính của chim non, tiến sĩ Pryke và cộng sự thử đánh lừa chim mái. Họ chọn vài con trống đầu đỏ rồi bôi đen lông trên đầu của chúng. Sau đó nhóm nghiên cứu nhốt chúng vào lồng có chim mái đầu đỏ và đầu đen.
“Sẻ mái không nhận ra màu lông đầu thực sự của chim trống. Chúng hoàn toàn bị đánh lừa”, Pryke nói. Kết quả cho thấy khi chim mái đầu đen giao phối với chim trống đầu đen giả mạo, tỷ lệ đực và cái trong ổ trứng bằng nhau. Còn ở tổ chim mái đầu đỏ, số lượng chim đực non chiếm tới 70% dù nó được giao phối với con trống có cùng màu lông đầu.
“Đây là bằng chứng rõ ràng và đáng thuyết phục nhất về hiện tượng thiên vị giới tính ở chim”, Pryke khẳng định. Tuy nhiên, cách thức chim kiểm soát giới tính của trứng vẫn là điều bí ẩn. “Chúng tôi nghĩ rằng các hoóc môn có thể đóng một vai trò nào đó, nhưng giả thuyết này cần được kiểm chứng”, Pryke nói.
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét