Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng kỳ 5: Hãy khiêm tốn

Người đăng: Unknown on Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013



Trong nhiều năm, cha tôi - người theo nghề kế toán - đã luôn nói rằng tôi phải cẩn thận trong việc quản lý tài chính, phải dành dụm nhiều hơn chi tiêu, trước khi bắt đầu một dự án mới thì phải có dự thảo ngân sách ở trong đầu.



Tôi không nghe theo lời khuyên của cha. Chúng tôi có tính cách khác nhau.Tôi là một kẻ liều lĩnh còn cha tôi thận trọng hơn tôi nhiều. Đây đâu phải là thời điểm để dành dụm; đây là thời điểm để đầu tư và gieo trồng. Tuy nhiên thất bại đã cho tôi thấy khiêm tốn là một phẩm chất thú vị bởi vì nếu bạn không có nó, thì sớm muộn gì bạn cũng phải có thôi. Hãy tưởng tượng tôi đã khiêm tốn như thế nào để chấp nhận năm mươi nghìn USD như một khoản vay cá nhân để cứu công ty của mình!

Đau đớn đấy, nhưng đó là nỗi đau mà tôi đã tự chuốc lấy. Ngạn ngữ có câu: “Kiêu ngạo đi trước bại hoại theo sau, và tính tự cao dẫn đường cho thất bại”. Nhìn lại thất bại của mình, tôi hiểu ra rằng trong một số lĩnh vực của đời sống tôi đã thiếu sự khiêm tốn. Tại sao sự khiêm tốn lại quan trọng đối với chúng ta khi chúng ta trải qua khủng hoảng? Trước hết, có thể bạn cảm thấy ngượng nếu như do một sai lầm hoặc một thất bại mà bạn lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Nói theo cách khác, bạn cảm thấy mình thật kém cỏi. Phát điên, khóc lóc, hoặc đầu hàng sẽ không thay đổi được điều đó, và phản ứng bằng những cảm xúc tiêu cực có thể chỉ càng khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn và khiến mọi người rời xa bạn mà thôi.

Lời khuyên của tôi là bạn nên nắm lấy sự khiêm tốn mới được tìm thấy của mình. Một số vận động viên bóng chày phản ứng một cách giận dữ trước thất bại. Họ đập gậy bóng chày vào đầu gối, ném mũ vào người mang nước cho các cầu thủ, đá vào tường. Những cầu thủ khác khiêm tốn chấp nhận rằng thất bại là một phần của cuộc chơi, và họ nhắc nhở mình lần tới không lặp lại những sai lầm đã mắc phải. Vậy đấy, khiêm tốn không phải là điều xấu bởi nó giúp bạn học được những điều bổ ích từ trải nghiệm của mình. Thực ra có những người tin rằng con đường đúng đắn nhất dẫn tới sự khai sáng là con đường của sự khiêm tốn.

Khi tôi còn nhỏ, tôi ghét phải nhờ người khác giúp đỡ. Tôi cảm thấy mình thật kém cỏi khi phải nhờ người khác giúp mình ăn, giúp mình ngồi xuống ghế hoặc đưa mình vào nhà vệ sinh. Tôi không thích mình kém cỏi như vậy. Có những lợi ích và những phần thưởng nhất định trong việc trở nên độc lập, đó là tìm ra cách thức để tự làm lấy những việc của riêng mình. Không phải tôi nói sự nhờ vả là xấu, nhưng sự tự lực đầy ngoan cố của tôi đôi khi khiến tôi thành kẻ lôi kéo, thậm chí ép buộc người khác phải giúp đỡ mình.

Thay vì đơn giản là nhờ giúp đỡ tôi đã không thể chấp nhận, để rồi cuối cùng cũng phải nhận lấy ân huệ từ người khác, chẳng hạn như em trai tội nghiệp của tôi, Aaron, người mà tôi thường coi như người chăm sóc của mình hơn là em trai. Xin lỗi nhé, Aaron! Tôi không nhận ra rằng thỉnh thoảng mình rất ích kỷ, nôn nóng và kiêu ngạo. Đã nhiều lần tôi cảm thấy mình đáng được đối xử một cách đặc biệt. Nhưng tôi đã xin Aaron tha thứ cho tôi, và mặc dù anh em tôi không gặp nhau thường xuyên bởi chúng tôi sống cách xa nhau, cậu ấy vẫn là người bạn tốt nhất của tôi, là người tôi rất khâm phục và tôn trọng. Tôi rất ngạc nhiên khi em tôi đủ lớn để tống tôi vào tủ và khóa tủ lại nhưng cậu ấy đã không làm điều đó. Đôi khi tôi đáng bị như vậy.

Tôi đã có thể coi giai đoạn khủng hoảng này là một sự nhắc nhở nữa về sự khiêm tốn góp phần giúp tôi phục hồi. Tôi đã cư xử như thể tôi phải mang toàn bộ gánh nặng trên đôi vai của mình. Đó là một cách phản ứng kiêu ngạo và quá quắt, và nó cho thấy rằng niềm tin của tôi dành cho Chúa và cho những người sống xung quanh tôi không tỏa sáng.

Moses, nhà lãnh đạo và là nhà tiên tri vĩ đại, là một người khiêm tốn nhất trên đời. Ngài biết rằng bạn không thể trở thành nhà lãnh đạo nếu như không một ai tình nguyện theo và làm việc cùng bạn. Một người kiêu căng không nhờ ai giúp bất cứ việc gì và do đó sẽ trở thành một người thiếu năng lực. Một người kiêu căng tuyên bố rằng mình biết tuốt và vì vậy anh ta thiếu những khả năng cần thiết. Một người khiêm tốn thu hút được những người có thể giúp đỡ, những người thầy đến với mình. Tôi đã từng nghe một người cha nói với con trai là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học rằng cậu nên bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của mình với thái độ đúng mực: “Đừng cố khoe khoang với người ta những gì con biết. Thay vì thế, hãy cho họ thấy con muốn học hỏi nhiều như thế nào”.

Nếu bạn cảm thấy mình bị đè bẹp trong một cuộc khủng hoảng, bạn nên khiêm tốn và nhờ người khác giúp đỡ, và đó là một điều tốt. Không ai trong chúng ta có thể thực hiện được những ước mơ của mình mà không cần có sự giúp đỡ của người khác. Chẳng lẽ việc bạn cảm thấy giỏi hơn và tự lo liệu được quan trọng hơn việc thực hiện được những ước mơ của bạn cùng với sự giúp đỡ của những người xung quanh hay sao?

Sự khiêm tốn cũng nuôi dưỡng lòng biết ơn và sự cảm kích, những tình cảm được coi là sự thúc đẩy đối với quá trình hàn gắn vết thương và đạt được hạnh phúc. Không một con người nào giá trị hơn người khác. Trong một hoàn cảnh nào đó tôi đã quên mất chân lý ấy. Sự kiêu ngạo dẫn đến thất bại của tôi đã khiến cho năng lực trí tuệ và tầm nhìn của tôi bị che khuất. Tôi đã phải nhắc nhở mình rằng Chúa không yêu tôi bởi vì công việc kinh doanh của tôi mang lại lợi nhuận hoặc bởi mỗi năm tôi thực hiện hai trăm bảy mươi cuộc diễn thuyết trên khắp thế giới. Chúa yêu tôi bởi vì chính bản thân tôi, và Người yêu bạn vì chính bản thân bạn.

Không phải mọi ngày tôi đều có thể đặt niềm tin của mình vào hành động. Tôi đã quyết tâm biến niềm tin thành hành động – không phải chỉ cầu nguyện mà còn tiến về phía trước với sự suy nghĩ và cân nhắc, sự kiên nhẫn, khiêm tốn, lòng dũng cảm và niềm tin hàng ngày, biết rằng khi nào tôi yếu đuối thì Chúa mạnh mẽ, và những gì tôi còn thiếu thì Chúa sẽ bù đắp cho tôi.

Hãy để niềm tin tỏa sáng

Niềm tin, dù là niềm tin vào bản thân và vào mục đích của bạn hay niềm tin ở Chúa, là một đèn hiệu hữu ích, nhưng bạn phải để ngọn đèn hiệu ấy tỏa sáng. Bạn không thể để nó lờ mờ bởi sự xao lãng. Đôi khi có thể bạn cảm thấy dường như bạn có niềm tin, nhưng không chút ánh sáng nào tỏa ra từ niềm tin đó. Trong thời kỳ khủng hoảng ấy, niềm tin của tôi đã trở nên giống như một chiếc xe hơi có hộp số đang để ở số không. Nó tồn tại đấy, nhưng nó không hoạt động. Có niềm tin vào bản thân và khả năng của bạn là rất quan trọng, nhưng bạn cũng cần phải có lòng kiên nhẫn, sự khiêm tốn và phải hiểu rằng bạn không thể làm được bất cứ điều gì nếu không có sự giúp đỡ của người khác, và rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

Không gì khiến bạn thất vọng nhanh chóng hơn là sống mà không có mục đích hoặc không xác định được niềm đam mê cháy bỏng nhất của mình là gì, bởi mục đích và niềm đam mê ấy chính là nguồn vui và làm cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa. Tôi đã lạc ra khỏi mục đích khích lệ và động viên người khác trong khi tôi chia sẻ thông điệp và niềm tin của mình. Tôi cũng đã cố gắng làm nhiều việc khác để xây dựng doanh nghiệp và tổ chức từ thiện, nhưng khi tôi lạc khỏi mục đích thực sự của mình, cứ như thể có ai đó ấn nút tắt nguồn sức mạnh của tôi vậy.

Nếu bạn cảm thấy mình đang chìm trong tuyệt vọng, cạn kiệt năng lượng và thiếu niềm tin, bạn hãy tự hỏi bản thân điều gì quan trọng nhất đối với mình? Điều gì mang đến cho mình niềm vui? Điều gì thúc đẩy mình vươn lên, khiến cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa? Làm thế nào mình có thể quay trở lại với điều quan trọng ấy?

Bạn và tôi được sinh ra trên đời này để sống vì mục đích lớn lao hơn là những mối quan tâm hạn hẹp của bản thân. Khi chúng ta sử dụng tài năng của mình cho mục đích lớn lao hơn lợi ích của bản thân, chúng ta hành động vì niềm tin để thực hiện kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho chúng ta.

Nằm liệt giường vẫn sống có mục đích

Tôi đã nói với các bạn rằng cuộc khủng hoảng nói trên cho phép tôi trở thành ví dụ thuyết phục về một tấm gương tồi. Giờ đây tôi muốn chia sẻ với bạn câu chuyện của một người khác, là ví dụ thuyết phục về một tấm gương tốt chứng minh niềm tin trở thành hành động – một trong những người tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp. Thực ra, tôi đã đề tặng anh cuốn sách đầu tay của mình, nhưng tôi để dành câu chuyện về anh cho cuốn sách này.

Tôi biết Phil Toth ở La Jolla, California qua mẹ của tôi khi chúng tôi vẫn còn đang sống ở Australia. Qua nhà thờ địa phương, mẹ tôi đã nghe nói về Phil và trang web dành cho người Cơ Đốc của anh. Mẹ cho tôi xem trang web đó và tôi được biết câu chuyện về niềm tin trong hành động của anh, một câu chuyện gây xúc động sâu sắc. Khi Phil chỉ mới hai mươi tuổi, một hôm anh thức dậy và nhận thấy mình không thể nói được bình thường như trước.

Thoạt đầu gia đình nghĩ anh đùa, bởi vì anh vốn thích trêu đùa và gây cười cho mọi người, nhưng rồi sau đó Phil tiếp tục chịu đựng chứng chóng mặt và chứng mệt mỏi khiến gia đình không khỏi lo lắng. Trong gần hai năm trời các bác sĩ không thể xác định được Phil bị làm sao, nhưng cuối cùng họ chẩn đoán anh bị bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) hay còn gọi là bệnh Lou Gehrig.

Thời gian sống của người mắc căn bệnh phá hủy các tế bào thần kinh vận động ở não, cột sống và làm suy yếu hệ thống cơ này được dự đoán là từ hai đến năm năm kể từ khi bệnh được phát hiện. Ban đầu các bác sĩ nói với Phil rằng bệnh của anh tiến triển nhanh đến mức anh có thể chỉ sống được chừng ba tháng nữa. Ấy vậy mà Phil đã sống được năm năm, và tôi nghĩ sở dĩ anh sống được lâu như vậy là bởi anh không chăm chăm nghĩ đến những đau đớn mà mình phải chịu đựng.

Thay vì thế, anh tập trung vào việc khuyến khích người khác cầu nguyện và tin ở Chúa. Hàng ngày Phil đấu tranh với bệnh tật hiểm nghèo bằng cách ngợi ca cuộc sống và tìm đến với mọi người để giúp đỡ họ, mặc dầu anh không thể nhấc được tay chân khỏi giường. Bệnh ALS vừa nguy hiểm vừa gây đau đớn khủng khiếp. Trong mấy năm Phil nằm liệt giường, anh không thể làm gì nhiều cho bản thân anh. Thậm chí giọng nói của anh cũng bị ảnh hưởng khiến mọi người khó có thể hiểu được lời anh nói. Gia đình đầy tình yêu của anh và bạn bè đã chăm sóc anh tận tình.

Mặc dù bị bệnh tật hành hạ, Phil vẫn hiến dâng cuộc sống của anh cho niềm tin tôn giáo, và thậm chí anh đã tìm ra cách biến niềm tin thành hành động để có thể tìm đến với những người ốm yếu, những người mang bệnh hiểm nghèo để an ủi, động viên họ. Nhờ tình yêu thương của Chúa, với tất cả những thách thức to lớn về sức khỏe, Phil đã tạo ra trang web mà mẹ tôi đã phát hiện ra. Đây là một phần thông điệp về bệnh tình của Phil và sự tác động của nó đối với niềm tin của anh mà anh đăng trên trang web đó:

Tôi tạ ơn Chúa đã dẫn dắt tôi qua thách thức này! Bệnh tật hiểm nghèo đã đưa tôi đến gần Chúa hơn (nếu thách thức này đưa tôi đến gần Chúa hơn thì tôi phải chịu đựng những đau đớn này cũng đáng), nó cũng khiến tôi nhìn lại cuộc sống của mình và xác định xem mình có niềm tin hay không, và nó cũng cho phép tôi cảm nhận được tình yêu của các anh chị em gần xa trong ánh sáng của Chúa. Thách thức này đã dạy tôi tin tưởng tuyệt đối vào Lời Của Chúa, hiểu biết của tôi về Lời Của Chúa đã tăng lên, và niềm tin của tôi cũng trở nên sâu sắc và bền vững hơn. Gia đình và bạn bè của tôi giờ đây gần gũi tôi hơn trước rất nhiều. Thêm vào đó, tôi đã biết nhiều hơn về sức khỏe, dinh dưỡng, về việc chăm sóc thân thể. Những cái lợi trong hoàn cảnh này là vô kể.

Với sự thúc giục của mẹ, tôi tìm đến nhà Phil vào năm 2002 để gặp anh trong chuyến đi tới nước Mỹ của tôi. Tôi có một người em họ phải chịu đựng một căn bệnh nan y chưa có thuốc chữa, và tôi đã được chuẩn bị để đối mặt với điều tồi tệ nhất. Nhưng khi tôi vào phòng của Phil, anh đã dành cho tôi nụ cười đón chào rạng rỡ, một nụ cười đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày hôm đó. Dù phải chịu đựng đau đớn, Phil đã không thu mình lại, không ôm khư khư cảm giác tủi thân. Sức mạnh và lòng dũng cảm của anh đã khiến tôi rất xúc động và đã khích lệ tôi rất nhiều.

Phil và gia đình của anh chưa bao giờ từ bỏ niềm hy vọng về một phép màu, ngay cả khi anh đã chuẩn bị tinh thần để về bên Chúa trên thiên đường. Khi tôi gặp anh, bệnh ALS đã cướp đi khả năng nói của anh. Anh chỉ có thể giao tiếp bằng cách chớp mắt để biểu thị các chữ cái, và anh làm việc đó với sự kiên nhẫn và vui vẻ khiến tôi kinh ngạc. Anh đã tìm ra cách để sử dụng kỹ thuật laser, kỹ thuật cho phép anh điều khiển máy tính và anh đã sử dụng nó để tạo bản tin của người Cơ Đốc giáo trên trang web, bản tin đã có hơn ba trăm người đăng ký đọc.

Nỗ lực phi thường nhằm biến niềm tin thành hành động của anh trong khi anh không thể nói được, trong khi bệnh tật “trói” chặt anh vào chiếc giường đã thúc đẩy tôi bắt đầu sứ mệnh truyền giáo của mình vài tuần sau đó. Từ ngày ấy, bất cứ khi nào cảm thấy thất vọng, tôi lại nghĩ đến Phil Toth. Nếu trong hoàn cảnh ấy anh vẫn có thể tiếp tục tạo ra những ảnh hưởng tích cực và vẫn giúp đỡ người khác được thì tại sao tôi lại không thể?

Khoảng một năm sau tôi đã vinh dự được ở bên giường của Phil khi anh từ giã cõi đời để đến kiếp sau. Mặc dầu tiếc thương anh vô hạn, tôi vẫn cảm thấy mình bé nhỏ khi chứng kiến một chiến binh trong đội quân của Chúa trở về nhà. Tôi hy vọng rằng bạn và tôi có thể thể hiện lòng quyết tâm, sự can đảm và tinh thần lạc quan trong khi giữ niềm tin và hành động vì niềm tin như Phil để chúng ta có thể trở thành một món quà đối với người khác.

 Đón đọc kỳ 6: Chuyện của con tim

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét