Thật vậy không?

Người đăng: Unknown on Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Nhiều người thông thạo máy tính lại tin vào những điều không thật. Hãy cùng xem xét 12 điều đồn đại phổ biến về máy tính, hy vọng bạn sẽ có thêm đôi chút kinh nghiệm khi nghe những điều đồn đại sau này.

ĐIỀU 1 Nên phân vùng ổ đĩa cứng lớn hay dồn đĩa thường xuyên để đạt hiệu suất tốt nhất.

Đây là ý kiến có thể dẫn đến xung đột thật sự giữa các chuyên gia máy tính. Theo chuyên gia về công nghệ lưu trữ của Infoworld.com, việc dồn ổ đĩa cứng lớn giúp cải thiện hiệu suất trên máy tính chạy Windows, nhưng mức độ cải thiện phụ thuộc vào số lượng file bạn thay đổi hay xóa mỗi ngày.

Theo chuyên gia này, hệ điều hành Windows có một thói quen không được thông minh lắm đó là cố tận dụng từng đơn vị (cluster) lưu trữ trống, ngay cả khi nó nằm giữa vùng dữ liệu lớn trong khi còn nhiều vùng trống ở cuối ổ đĩa, do vậy các file tạo mới dễ bị phân rải rác nhiều nơi vì vậy cần thực hiện nhiều thao tác tìm kiếm để nối từng phần của file lại với nhau.

Tuy nhiên theo thử nghiệm của PC World, dùng các tiện ích dồn đĩa cũng không đem lại cải thiện hiệu suất đáng kể. Executive Software, công ty phát triển tiện ích dồn đĩa Diskeeper, cho rằng giải pháp này có thể cải thiện hiệu suất nếu có ít nhất 20% đĩa cứng trống. Tóm lại: kết quả đạt được có thể khác nhau.

Việc phân vùng đĩa cứng thành 2 hay 3 ổ luận lý không chắc giúp tăng tốc độ cho hệ thống của bạn, nhưng nó đem lại nhiều lợi ích khác. Chẳng hạn, nó cho phép bạn tạo hệ thống khởi động kép hay lưu riêng các file ít thay đổi (như các file hệ thống và chương trình) với các file thường thay đổi (như tài liệu và dữ liệu đệm khi duyệt web), nhờ vậy làm giảm việc phân mảnh và giúp việc sao lưu hệ thống dễ dàng hơn hay cho phép thay thế HĐH mà không đụng đến dữ liệu.

ĐIỀU 2 MPAA và RIAA có thể giám sát mạng ngang hàng.

Điều này nghe có vẻ rất hợp lý. "Nếu tải về phim, chương trình truyền hình, nhạc hay video game dùng mạng ngang hàng, các file mà bạn tải về có thể bị lần theo qua địa chỉ IP của bạn", theo người phát ngôn của Motion Pictures Association of America (MPAA).

Nhưng BayTSP, công ty chuyên theo dõi các mạng ngang hàng chia sẻ file như BitTorrent và eDonkey, hơi mập mờ trong tuyên bố của mình. Khi thực hiện giám sát các mạng trên cho các khách hàng khác nhau, BayTSP có thể ghi nhận địa chỉ IP của người trao đổi file, ngày và giờ tải về, tên file và thông tin về nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) của cá nhân đó, nhưng chỉ với các trường hợp tải file lớn.

Theo người phát ngôn của BayTSP, nếu file đủ lớn – như một bộ phim hay phần mềm ứng dụng (chứ không phải chỉ là bản nhạc) – thì nhiều khả năng BayTSP sẽ nhận diện được cá nhân trước khi họ tải hoàn tất toàn bộ file. Tuy vậy, công ty này "chưa bao giờ tuyên bố giám sát mọi người".

Việc liên hệ một địa chỉ IP với một tên thực hay địa chỉ vật lý cũng không chắc được. Thông thường, ngành công nghiệp ghi âm và phim ảnh phải nhờ đến các ISP để nhận diện người dùng dựa trên địa chỉ IP – nhưng không phải tất cả đều được thỏa mãn.

Những người sở hữu bản quyền còn phải đối mặt với những thách thức khác. Chuyên gia kỹ thuật của Electronic Frontier Foundation cho rằng việc dùng các mạng IP vô danh, proxy ẩn danh (các website hay server cho phép người ta dấu địa chỉ IP trong khi duyệt web), hay kết nối Wi-Fi có thể làm cho việc lần theo dấu vết một người nào đó khó khăn hơn. Tuy vậy, các ISP vẫn có thể giám sát người dùng có địa chỉ IP nhất định tại thời điểm cụ thể nào đó, và nếu được yêu cầu họ có thể ghi nhận thông tin vi phạm bản quyền và người tải về có thể bị tóm.

ĐIỀU 3 Máy in sẽ không được bảo hành nếu dùng mực của hãng khác.

Điều này được đồn đại rất nhiều, với bất kỳ loại mực nào. Theo các hãng lớn sản xuất máy in (và mực in) như Canon, Epson và Lexmark thì việc dùng ống mực của hãng khác hay mực nạp không tự động huỷ bảo hành phần cứng. Trừ khi chính mực in gây ra sự cố cho máy in.

ĐIỀU 4 Dùng thẻ nhớ tốc độ cao máy ảnh số sẽ chụp ảnh nhanh hơn.

Dùng thẻ nhớ tốc độ cao cho phép máy ảnh của bạn lưu file nhanh hơn, nhưng không hẳn bạn có thể chụp ảnh nhanh hơn. Khi bạn chụp một tấm ảnh, máy ảnh phải thu nhận và xử lý hình ảnh, sau đó mới lưu vào thẻ nhớ; thẻ nhớ nhanh hơn chỉ cải thiện phần cuối của quá trình – phần lưu file vào thẻ.

Nếu dùng một máy ảnh nhanh với thẻ nhớ chậm, bạn có thể để ý thấy độ chậm ở phần thẻ nhớ. Nhưng dùng một thẻ nhớ nhanh với máy ảnh chậm thì giống như đặt bánh xe đua vào chiếc xe thường. "Sự khác biệt có thể đáng kể với các máy ảnh SLR nhưng sẽ không đáng kể trong nhiều máy ảnh loại ngắm-chụp", theo đại diện của nhà sản xuất thẻ nhớ SanDisk.

ĐIỀU 5 Đừng xem một kênh quá lâu vì sẽ làm "cháy" màn hình TV plasma.

Việc cháy màn hình plasma không phải điều đơm đặt, nhưng nói chung không cần phải lo. Theo site CrutchfieldAdvisor.com chuyên đánh giá về âm thanh và video, các màn hình plasma và CRT có thể bị cháy khi "hình ảnh tĩnh như video game, bảng giá chứng khoán hay biểu tượng nhà đài đứng yên trên màn hình một thời gian dài. Qua thời gian, các hình này có thể khắc vào màn phospho, để lại dấu mờ vĩnh viễn trên màn hình". Chuyên gia của Crutchfield cho rằng việc này hiếm khi xảy ra vì hình ảnh trên TV được thay đổi hay "làm tươi" trong các chương trình và khi bạn thay đổi kênh.

Tuy nhiên đây có thể là vấn đề cho các game thủ chơi cùng một nhân vật hàng giờ liền, theo một chuyên gia của Best Buy.

Các model màn hình plasma mới đã có những cải tiến đáng kể và ít bị cháy.

ĐIỀU 6 Google tìm thấy mọi thứ và một khi nó có thông tin của bạn thì không cách gì gỡ bỏ.

Có vẻ như cánh tay vô hình của Google chạm đến mọi ngóc ngách, nhưng không hẳn vậy. Google sẽ tìm thấy thông tin trên web chỉ khi có một site nào đó "chỉ" (liên kết) đến trang có chứa nó, theo chủ biên của website Search Engine Land.

Nếu bạn không muốn thông tin được tìm thấy thì đừng đặt nó trên web, hay bảo vệ nó bằng mật khẩu (Google không tìm kiếm với mật khẩu).

Bạn có thể ngăn công cụ tìm kiếm của Google lập chỉ mục website của mình hay buộc nó gỡ bỏ các trang mà nó đã tìm thấy bằng cách làm theo những hướng dẫn tại Google Webmaster Central (find.pcworld.com/57401). Tuy nhiên, nếu website của bạn đã được "quét" thì các trang thông tin sẽ không xoá khỏi kho dữ liệu lưu tạm của Google ngay lập tức.

Vấn đề khó khăn hơn là làm cách nào gỡ bỏ thông tin cá nhân khỏi Google nếu nó lưu trên một site không thuộc quyền kiểm soát của bạn. Bạn có thể thử yêu cầu chủ site gỡ bỏ trang thông tin đó hay ngăn Google "quét" nó. Nếu người chủ từ chối, và site đó chứa thông tin nhạy cảm như số chứng minh thư của bạn hay tài liệu có bản quyền thuộc về bạn, bạn có thể yêu cầu Google xóa nó khỏi chỉ mục. Còn không, bạn có thể nhờ đến các dịch vụ như Reputation-Defender.com để xoá trang thông tin với phí 30USD, tuy nhiên kết quả không được bảo đảm.

ĐIỀU 7 Nhập địa chỉ URL, bạn sẽ an toàn với phishing.

Cách chắc chắn nhất để thông tin cá nhân của bạn bị sử dụng bất hợp pháp là nhấn lên một liên kết trong email giả mạo (phishing) và ngây thơ cung cấp thông tin theo yêu cầu. Nhưng việc gõ địa chỉ www.nganhangcuaban.com vào trình duyệt cũng không đảm bảo tránh được những kẻ lừa đảo.

Bạn còn phải đối mặt với ít nhất 2 mối nguy hiểm rình rập. Thứ nhất là kiểu tấn công "pharming" hay "thao túng tên miền", can thiệp URL hợp pháp trên đường truyền và chuyển hướng đến site giả mạo. Đã có một số cuộc tấn công pharming nhắm vào các máy chủ tên miền (có một cuộc hồi tháng 2 nhằm vào các site của ít nhất 50 tổ chức tài chính). Cách phòng vệ duy nhất chống lại pharming là truy cập trực tiếp URL của trang đăng nhập có bảo mật (bắt đầu với https:, thường được các site ngân hàng sử dụng).

Thứ hai, một số malware có thể đạt được hiệu ứng như pharming bằng cách viết lại file Hosts hay chiếm quyền điều khiển trình duyệt trên máy tính của bạn. Tuy nhiên, nếu hệ thống của bạn được vá kịp thời, firewall của bạn có hoạt động và các trình chống spyware và virus được cập nhật, bạn sẽ giảm được rủi ro. Các chương trình như Spybot Search & Destroy miễn phí (find.pcworld.com/5739) và WinPatrol (find.pcworld.com/57400) cũng có thể giúp bảo vệ file Hosts của bạn.

ĐIỀU 8 Truy cập băng rộng 3G 'không giới hạn'

Khi ISP quảng cáo gói dịch vụ dữ liệu tốc độ cao không giới hạn, thì hiếm khi băng thông được "thoải mái".

Ví dụ gói dịch vụ băng rộng "không giới hạn" gần đây của Verizon Wireless. Mặc dù các thuê bao EVDO có thể duyệt web, gửi và nhận email nhưng Verizon không cho phép tải file, sử dụng webcam hay dùng các dịch vụ VoIP. Công ty này còn lẳng lặng áp mức ngưỡng 5GB cho mỗi tài khoản, nếu phát hiện một thuê bao gửi hay nhận hơn dung lượng tối đa qui định hàng tháng thì sẽ "đóng" tài khoản. Sau nhiều tháng từ chối, công ty này đã lặng lẽ bổ sung thông tin về mức ngưỡng trên vào thỏa thuận dịch vụ và ngưng quảng cáo gói dịch vụ băng rộng là "không giới hạn".

Các gói EVDO không giới hạn của Sprint không đặt hạn chế cụ thể nào trên lưu lượng dữ liệu hay hình thức sử dụng. Nhưng Sprint "có quyền giới hạn hay tạm ngừng bất kỳ việc sử dụng dữ liệu nào liên tục và quá lớn gây ảnh hưởng bất lợi đến hiệu suất làm việc của mạng hay cản trở việc truy cập mạng". Chưa nghe có ai phàn nàn bị Sprint "cắt" mạng.

ĐIỀU 9 Bạn được bảo vệ khi mua hàng trên eBay.

Site đấu giá lớn nhất thế giới và bộ phận PayPal của nó cung cấp cho người dùng nhiều công cụ chống lại những tay bịp và chống lại sự cả tin của chính mình. Nhưng việc bảo vệ này không đảm bảo 100%.

Khi dùng PayPal để mua một món hàng trên eBay.com, người mua tự động có 200USD bảo đảm cho giao dịch, theo người phát ngôn của eBay. Nếu người bán có chứng nhận PayPal, người mua được bảo đảm đến 2000USD.

Nhưng nếu bạn trả tiền bằng hình thức khác, tất cả đảm bảo đều không còn. Các hình thức bảo vệ của site này cũng không áp dụng cho các món hàng phi vật chất, như các tập tin hay phần mềm. Và nếu hiểu nhầm mô tả món hàng thì bạn đành chịu rủi.

Ví dụ, Greg nghĩ mình mua hời được bộ Xbox với giá 300USD. Nếu nhận phải Xbox bị nứt, Greg sẽ được đền. Nhưng cái mà anh mua được lại là một tập tin Word liệt kê các điểm bán Xbox giảm giá. Vì món hàng là dạng phi vật chất và được miêu tả chính xác (tuy mục đấu giá hiển thị ảnh Xbox gây hiểu lầm) nên việc bảo vệ của PayPal không áp dụng.

ĐIỀU 10 Máy Mac miễn nhiễm malware.

Gần đây, những người hết lòng tin vào sự an toàn của máy Mac nhận thấy niềm tin của mình bị lung lay nghiêm trọng, khi chuyên gia bảo mật Dino Dai Zovi rinh về nhà giải thưởng 10.000USD cho việc chiếm quyền điều khiển một máy tính MacBook Pro chạy HĐH Mac OS 10.4. Dai Zovi mất chưa đến 10 tiếng để phát hiện lỗ hổng trong phần mềm Apple QuickTime và lập một trang web khai thác nó. (Các phiên bản QuickTime chạy trên Windows cũng có lỗ hổng). Trong một cuộc phỏng vấn sau đó với Computerworld, Dai Zovi tuyên bố HĐH Mac kém an toàn hơn Windows Vista (hẳn Bill Gates hài lòng còn Steve Jobs thì tím ruột).

Điều này không có nghĩa chỉ có một kẽ hở làm khổ các máy tính Macintosh. Hồi tháng giêng, chuyên gia bảo mật Kevin Finisterre và một hacker có bí danh là LMH đã hoàn thành dự án Month of Apple Bugs (tháng lỗi Apple), đưa ra một điểm yếu bảo mật ảnh hưởng đến nhiều mặt của máy Mac. Trong tháng 2, sâu Mac OS 10 đầu tiên đã được nhận diện. Dù các chuyên gia cho rằng nó tương đối vô hại, nhưng sâu OSX/Leap-A đã phát tán thông qua ứng dụng iChat của Apple bằng cách tự gửi chuyển tiếp theo danh sách bạn hữu của người dùng.

Nhưng nói chung, người dùng Mac có vẻ như ít gặp virus hay lỗ hổng hơn người dùng Windows, chỉ bởi vì malware Windows có số lượng lớn hơn rất nhiều.

ĐIỀU 11 Bạn sẽ biết ngay khi có ai đó chiếm quyền điều khiển máy tính của mình và biến nó thành zombie.

Không hẳn vậy, theo chuyên gia của MyNetWatch-man.com, công ty chuyên theo dõi các mạng bot. Ví dụ, nếu hacker biến máy tính của bạn thành trạm phát tán spam, khay hệ thống có thể cảnh báo máy tính của bạn đang gửi đi hàng trăm email - nhưng chỉ khi máy có cài phần mềm bảo mật quét kiểm tra email gửi đi. Malware thường vô hiệu phần mềm chống virus, firewall hay dịch vụ Windows Update để nó có thể hoạt động tự do trên máy tính của bạn.

Thực tế, nhiều người dùng không hề biết gì cho đến khi ISP thông báo phát hiện trạm phát tán (bot) từ địa chỉ IP của họ, hay địa chỉ email của họ bắt đầu bị từ chối do bị liệt vào danh sách spam.

Vậy làm sao phát hiện khi máy tính bị thôn tính? Nếu máy tính đột nhiên trở nên chậm chạp hay mất nhiều thời gian để khởi động hay shutdown, nó có thể đã bị lây nhiễm (nhưng cũng có thể những hiện tượng này do nhiều nguyên nhân khác không liên quan đến malware). Trong hầu hết trường hợp, nguyên nhân là do người dùng đã cho phép phần mềm xấu (như các file tải về từ mạng ngang hàng) thực thi trên hệ thống của họ. "Người dùng hoặc là phải tinh tường hoặc là phải tránh xa net".

ĐIỀU 12 Máy in phun dùng ống mực màu tích hợp sử dụng tốn kém hơn máy in dùng các ống mực riêng.

Đây là một trong số ít điều đồn đại có vẻ chí lý. "Với ống mực màu tích hợp, mực vàng có thể hết và bạn sẽ cần thay luôn các ống mực còn lại nếu muốn in với màu vàng", theo người đại diện của Epson. Các ống mực rời sử dụng được tối đa hóa và giảm chi phí cho người dùng. Điều này cũng được Hard Copy Supplies Journal đồng ý.

Nếu máy in của bạn dùng các ống mực rời, cũng nên biết cách sử dụng tối đa từng ống mực, xem hướng dẫn tại find.pcworld.com/57405

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét