Tốc độ của trung tâm dữ liệu thế hệ mới: 40Gb/s và 100Gb/s

Người đăng: Unknown on Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Khi công nghệ 10Gbps đang được ứng dụng phổ biến trong các tòa nhà cũng như trung tâm dữ liệu thì các sản phẩm hỗ trợ tốc độ 40Gbps và 100Gbps cũng đang được phát triển và chuẩn hóa, rồi, ứng dụng thực.



Tại sao phải 40Gbps và 100 Gbps?
Giao thức Ethernet tiếp tục những thành công vượt trội trong ngành công nghiệp truyền thông từ tốc độ ban đầu 10Mbps vào năm 1983, khi còn sử dụng cáp đồng trục. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 thập kỷ, tiêu chuẩn này đã được mở rộng cho hệ thống cáp đồng xoắn đôi và cáp quang. Từ đó đến nay, tốc độ truyền dữ liệu không ngừng gia tăng: cứ 3 năm thì tốc độ tăng 10 lần, và đạt đến tốc độ 10 Gbps bằng cáp quang vào đầu thiên niên kỷ này. Tuy nhiên với tốc độ bùng nổ thông tin như hiện nay, 10Gbps không phải là hạn chế cũng như đích cuối cùng của công nghệ. Khi công nghệ 10Gbps đang được ứng dụng phổ biến trong tòa nhà cũng như Data Center trên thế giới và Việt Nam thì các sản phẩm hỗ trợ tốc độ 40Gbps và 100Gbps cũng đang được phát triển và chuẩn hóa, rồi, ứng dụng trong thực tế.
Tốc độ 40Gbps và 100 Gbps là gì?

Tiêu chuẩn quốc tế cho tốc độ 40Gbps và 100Gbps được soạn thảo bởi IEEE là IEEE 802.3ba. Một số tiêu chuẩn khác đã được ban hành cho tốc độ 40Gbps và 100 Gbps trên hệ thống cáp quang là TIA-492AAAC (cáp quang OM3) và TIA-492AAAD (Cáp quang OM4). Khoảng cách truyền dẫn tối thiểu trên trên hệ thống cáp quang đối với tốc độ 40Gbps và 100 Gbps lần lựợt là 10 - 40 km cho cáp quang đơn mốt (Singlemode) và 100 km cho hệ thống cáp quang đa mốt (Multimode). Đối với cáp đồng, khoảng cách tối thiểu đảm bảo tốc độ truyền dẫn là 10 m. Phương tiện truyền dẫn tốc độ 40Gbps và 100 Gbps là hệ thống cáp quang OM3&4 và cáp đồng xoắn đôi.

Hiện nay, hệ thống cáp đồng cho tốc độ 40 Gigabit Ethernet vẫn còn đang trong thời kỳ nghiên cứu dựa trên công nghệ cáp Catergory 7A, trong khi lựa chọn tốt nhất cho khách hàng hiện nay vẫn là các giải pháp cáp đồng 10 Gigabit/s theo chuẩn Category 6A. Để đạt tốc độ 40Gbps trên hệ thống cáp quang, giải pháp này sẽ cần 8 sợi cáp quang đóng vai trò gửi và nhận với tốc độ 10 Gbps trên mỗi sợi cáp quang. Cũng như vậy, với tốc độ 100 Gbps, sẽ cần 20 sợi cáp quang, mỗi sợi cung cấp băng thông truyền hoặc nhận tại tốc độ 10 Gbps.
Khi nào “có” 40Gbps và 100Gbps?
Hiện nay, các sản phẩm cho tốc độ 40 Gbps đã được sản xuất. Hệ thống cáp cấu trúc hiện đã có các sản phẩm cáp quang OM3&OM4 Singlemode và MPO cung cấp băng thông đáp ứng tốc độ tối thiểu 10Gbps. Các thiết bị đáp ứng tốc độ 40 Gbps đã có trên thị trường trong khi sản phẩm cùng loại đáp ứng tốc độ 100 Gbps đã có nơi nhận đặt hàng.

Nơi cần 40Gbps và 100Gbps Ethernet đầu tiên

Đó chính là trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ vốn thường xuyên đối mặt với yêu cầu truyền dẫn dữ liệu với khoảng cách xa trên hệ thống cáp quang Singlemode. Bên cạnh đó, các yêu cầu truyền dẫn các dữ liệu dạng video, hình ảnh, các máy tính hiệu suất cao và nhu cầu ảo hóa cũng yêu cầu tốc độ mạng 40Gbps và 100 Gbps.
Sẵn sàng cho cơ sở hạ tầng cáp

Lời khuyên cho nhà quản trị mạng là hãy lặp đặt hệ thống cáp trục bằng cáp quang OM3&4 và Singlemode để đáp ứng nhu cầu truyền dẫn tốc độ 10 Gbps. Hệ thống mạng nên được thiết kế sử dụng các sợi cáp quang dạng MPO và các cassette trên các tủ network với mật độ sợi quang từ 12 - 24 trên một sợi MPO đầu LC cho các kết nối tới Server và Swich. Khi cần nâng cấp lên tốc độ 40 Gbps, người quản trị mạng chỉ cần làm một thay đổi nhỏ trên hệ thống bằng cách thay các cassette MPO hiện có bằng các cassette truyền dẫn tốc độ cao hơn.

Kết luận

Với phương án thiết kế phù hợp, việc chuyển đổi hệ thống cáp từ 10 Gbps lên 40Gbps sẽ chỉ cần một vài sự thay đổi nhỏ. Trong 3 năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu đầu tư hệ thống cáp 10Gbps cho trung tâm dữ liệu của mình. Sự đầu tư mạnh mẽ nhất diễn ra ở khối ngân hàng, tài chính và viễn thông. Trong khi đó, đa phần các trung tâm dữ liệu khác mới chỉ dừng ở tốc độ 1 Gbps. Câu chuyện lựa chọn hệ thống cáp hiện nay tại Việt Nam hiện vẫn còn xoay quanh các tranh cãi về hệ thống cáp bọc giáp hay không bọc giáp cho tốc độ 10 Gbps. Có một sự thú vị là hai thương hiệu cáp phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay là AMP NETCONNECT thuộc tập đoàn Tyco Electronics và Krone thuộc ADC Krone đang đề xuất 2 giải pháp ngược nhau. Trong khi AMP NETCONNECT kiên định phát triển giải pháp cáp bọc giáp thì Krone là thương hiệu đầu tiên đưa ra giải pháp cáp không bọc giáp tốc độ 10 Gbps tiệm cận tiêu chuẩn Cat6A. Với việc Tyco Electronics đã mua ADC Krone vào giữa tháng 7/2010 vừa qua, việc 2 nhà sản xuất này làm thế nào để sắp lại xếp hệ thống sản phẩm của mình sau khi hợp nhất sẽ là chuyện nhỏ nhưng hấp dẫn để theo dõi trong lĩnh vực công nghệ cáp truyền dẫn dữ liệu (các sản phẩm của Tyco tại Việt Nam được cung cấp bởi Công ty TNHH Hệ thống Tin học Viễn thông NDS, www.nds.com.vn).
Nguồn: NDS

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét