Cài đặt HDTV Khi lắp đặt HDTV, bạn cần lưu ý một số điểm sau: đặt TV ở đâu và nơi nào sao cho góc nhìn là tốt nhất, vị trí đặt thế nào để đảm bảo an toàn và khô thoáng... Tìm khoảng cách phù hợp
Theo các chuyên gia, khoảng cách đặt HDTV không cần quá xa. Đối với TV 42" 1080p, công ty công nghệ giải trí THX khuyên tầm nhìn ở khoảng từ 1,3m-2m hay 1,5m-2,3m đối với TV 50". Ở trang HDGuru.com, các kết quả tính toán cũng tương tự với mức khoảng cách đề nghị 1,7m với TV 42” và 2m là 50”. Khi ngồi gần, góc nhìn sẽ rộng hơn, cảm nhận thú vị hơn, tương tự xem phim trong rạp. Khoảng cách đề nghị của THX, nên bố trí góc nhìn khoảng 40 độ. Đối với HDTV, bạn cần quan tâm kích thước điểm ảnh hay số dòng quét, thông số này cho biết khoảng cách ngồi gần HDTV thế nào là phù hợp. Khi độ phân giải hình ảnh thấp, bạn nên ngồi ra xa để không nhìn thấy các sọc. Vì lý do này, việc ngồi xa để xem HDTV ở độ phân giải 480i/480p hay 720p sẽ tốt hơn so với 1080i hay 1080p. Dù lắp HDTV ở đâu, bạn nên chú ý đến vị trí đặt loa. Bố trí nơi đặt TV Dù bạn chọn gắn lên tường hay đặt trên chân đế, hãy đặt TV sao cho màn hình ngang tầm mắt, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp hay ánh sáng trong nhà có thể gây ra hiện tượng bóng ma hay mất nét. Khi mua đế gắn tường, bạn nên quan tâm đến thiết kế, khả năng xoay, chỉnh độ cao, chịu lực và cả chuyện đi dây cáp sao cho gọn gàng.
Khớp nối dạng cánh tay như OmniMount UCL-L cho phép TV xoay từ trong ra ngoài, lên/xuống, trái/phải, bạn có thể ngồi xem TV ở nhiều vị trí khác nhau. Loại đế gắn tường này cũng khá lý tưởng để gắn lên giá sách hay ngăn tủ dùng để kéo TV mỗi khi xem. Nếu không muốn khoan tường, bạn có thể tìm một cái bệ tương tự như đế treo tường. Bệ loại này ngắn, vừa vặn với đồ dùng trong nhà. Hầu hết website bán hàng trực tuyến đều ghi rõ loại đế hỗ trợ tốt nhất cho TV. Nếu bạn chọn mua chân đế, hãy chú ý đến cách thiết kế, đường chạy dây, khả năng chỉnh độ cao và ngăn chứa cáp. Hãy chắc chắn rằng tất cả thiết bị (gồm cả thiết bị bạn định mua trong tương lai) sẽ phải luôn thông thoáng với nhau. Cửa có tác dụng ngăn bụi nhưng lại giữ nhiệt. Chân đế tốt thường có thiết kế thông gió tốt, không ồn. Cuối cùng, bố trí TV sao cho thật vững để không bị lật ngược hay rơi xuống nếu có chấn động mạnh xảy ra hoặc đề phòng trẻ nhỏ chơi đùa. Ứng phó với nguồn điện không ổn định Nếu mạng điện không đến nỗi quá tệ, bạn không cần trang bị ổn áp. Những gì bạn cần là một bộ chống sốc audio/video tốt để tránh tình trạng điện áp chập chờn gây thiệt hại thiết bị điện. Giữ sạch màn hình Màn hình phẳng rất dễ bám bụi. Bạn nên thường xuyên lau chùi màn hình TV và các thiết bị giải trí khác bằng một tấm vải mềm nhằm tránh để lại vết xước. Lưu ý là bạn không nên sử dụng chất tẩy rửa chứa chất cồn hay amoniac để lau phần mặt kiếng phía trước màn hình vì chúng sẽ làm tổn hại đến lớp nhựa bên ngoài. Tương tự, không dùng máy hút bụi hay bàn chải quét lên vì gây trầy xước màn hình. Để loại bỏ vết dầu mỡ hay phấn màu, bạn dùng một ít nước rửa chén và sau đó lau sạch bằng vải mềm. Không dùng bình xịt, hóa chất vì chúng có thể thấm qua các khe hở hay lỗ thông hơi trên thiết bị. Tìm tín hiệu video tốt
Với vị trí đặt thiết bị mới, bạn cần có sẵn các nguồn cung cấp tín hiệu video cho TV, chẳng hạn đầu DVD, DVR, bộ giải mã HD. Vài mẹo sau giúp giải quyết tiến trình này, cộng thêm vài hướng dẫn tìm nội dung HD và cách tự thiết lập DVR. Nâng cấp nguồn video lên HD Nếu bạn định nâng cấp từ định dạng TV chuẩn lên HD thì có rất nhiều định dạng cần chuyển đổi, chẳng hạn hộp truyền hình cáp, đầu DVR, đầu DVD hay VCR đều là tín hiệu SD. Nếu chiếc HDTV hay bộ thu AV của bạn cứ “cố” chuyển mọi định dạng thành HD thì sẽ ảnh hưởng tới độ phân giải, dẫn tới xuất hiện răng cưa, đặc biệt với cảnh chuyển động. Video SD từ nhà cung cấp truyền hình cáp hay VCR chiếu trên HDTV sẽ trông xấu hơn so với TV chất lượng SD. Ngoại lệ với DVD vì tín hiệu DVD thường là chế độ màn hình rộng. Do đó, việc chuyển đổi sang độ phân giải cao hơn ở đầu DVD có thể mang lại những hình ảnh đẹp chuẩn HD cho TV với chi phí thấp. Đầu DVD "full" 1080p có giá chỉ khoảng 1.350.000 đồng đến 1.800.000 đồng.
Nếu có thể, bạn hãy nâng cấp các nguồn video khác như truyền hình cáp hay vệ tinh hay DVR thành định dạng HD. Bạn sẽ thấy lợi ích ngay lập tức, vì lúc này bạn tận dụng được mọi điểm ảnh trên màn hình. Chuyển sang HD sẽ không miễn phí. Các công ty truyền hình cáp và vệ tinh đều có chính sách thu phí trên các kênh HD và thiết bị liên quan. Bạn nên tham khảo các dịch vụ truyền hình tại địa phương xem liệu họ có đưa ra các kênh truyền hình độ nét cao hay chưa. Nếu có, thường họ sẽ bán dịch vụ kèm thiết bị thu tín hiệu HD và họ sẽ đến tận nhà lắp đặt cho bạn. Cân nhắc việc chuyển sang nhà cung cấp khác Bạn muốn biết những đơn vị nào cung cấp các kênh chuẩn HD? Hãy kiểm tra các kênh đang phát của các nhà cung cấp dịch vụ ở địa phương có hỗ trợ HD hay không? Hiện nay, ở Việt Nam, một số nhà cung cấp dịch vụ truyền hình như VTC, SCTV, HTVC đang phát/thử nghiệm các kênh truyền hình HD. Xem HD miễn phí
Tại Việt Nam thì chưa, nhưng ở một số quốc gia khác, một số công ty truyền hình phát tín hiệu HD xem thử miễn phí qua đường an-ten. Yêu cầu duy nhất ở đây là TV của bạn có bộ bắt tín hiệu số, mà các HDTV được sản xuất sau tháng 3/2007 đều có. DVR miễn phí Đừng vội vứt bỏ đầu DVR khi bạn đã “thỏa mãn” các chương trình trong dịch vụ truyền hình HD. Một số thiết bị hoặc Windows Media Center trên PC có thể cho bạn lên lịch ghi hình để bạn không bị bỏ lỡ chương trình truyền hình nào đó. Kết nối HDTV
Bây giờ, bạn có nhiệm vụ kết nối các thành phần rời rạc lại. Bài viết sẽ hướng dẫn cách chọn cáp HDMI tốt nhất, cách kiểm tra dây nối, chọn cách điều khiển từ xa để quản lý “rạp hát” của bạn. Kết nối qua HDMI Để chất lượng ảnh tốt nhất, bạn nên kết nối tất cả các nguồn HD bằng cáp và ngõ HDMI (với các thiết bị cũ, bạn có thể dùng bộ chuyển từ DVI sang HDMI). Với nhiều nguồn tín hiệu HD, bạn có thể gắn trực tiếp vào các cổng HDMI trên TV vì hầu hết các HDTV mới thường có đến 3 cổng HDMI. Để khắc phục giới hạn về số lượng cổng HDMI, bạn có thể trang bị thêm bộ chuyển HDMI gắn ngoài như Gefen, Iogear và OPPO hay bộ thu AV (xem mục “Chọn bộ thu AV ưng ý”, trang 126). Nếu thêm dàn loa âm thanh vòm, bộ thu AV là lựa chọn lý tưởng nhất. Nếu cần bộ chuyển, bạn nên chọn sản phẩm hỗ trợ cổng HDMI phiên bản mới nhất. Trong bài viết này, chuẩn HDMI 1.3a Cat 2 hỗ trợ hiệu ứng Dolby TrueHD và DTS-HD Master Audio có trong định dạng đĩa Blu-ray cũng như các tính năng về độ sâu màu của HDTV mới nhất.
Tuy nhiên, chuẩn mới nhất sẽ là HDMI 1.4; các sản phẩm hỗ trợ HDMI 1.4 sẽ có mặt vào cuối năm nay. Phiên bản mới này hỗ trợ thêm nhiều tính năng, chẳng hạn phim độ phân giải 4Kx2K, Ethernet tốc độ 100Mbps trong các thiết bị hỗ trợ HDMI 1.4; mở rộng dãy màu, 3D. Tương lai, HDMI 1.4 sẽ giúp ích rất nhiều trong việc cài đặt. Trong bất kỳ trường hợp nào, điều quan trọng là kiểm tra phiên bản trên cáp HDMI, vì nếu không, bạn sẽ không có thêm các lợi ích khi kết nối thiết bị HDMI 1.3 bằng cáp HDMI 1.2. Nếu vẫn còn có một số nguồn video thiếu cổng HDMI như VCR hay các thiết bị game console loại cũ..., bạn nên dùng cổng kết nối hiện có chất lượng cao nhất. Ví dụ, các nguồn tương tự kết nối qua cáp composite đến TV cũ của bạn. Với hệ thống mới, bạn chuyển sang ngõ S-video hay component nếu có thể. Theo thứ tự ưu tiên, các tùy chọn kết nối gồm: HDMI, DVI, RGB component, S-Video, composite. Chọn cáp phù hợp
Không cần thiết phải chọn loại cáp đắt tiền để chất lượng hình ảnh tốt hơn. Các thiết bị trong hệ thống quy định rõ loại cáp cần thiết để kết nối tất cả nguồn để đạt độ phân giải tối đa. Tiếp theo, bạn lên mạng tìm mua theo giá bán lẻ. Khi mua cáp HDMI nên tìm cáp tốc độ cao HDMI 1.3a Cat 2, ít nhất là cho đến khi các loại cáp HDMI 1.4 chính thức có mặt trên thị trường. Làm quen với các loại dây Việc mua cáp có chiều dài hợp lý khá thuận lợi cho việc phát sinh dây về sau. Để chạy dây Ethernet, dây loa hay cáp đồng trục quanh các vách gỗ hay khung treo ảnh, bạn thử dùng ống dẫn quanh tường như Wiremold CordMate để kết hợp làm trang trí. Ống bọc dây điện bao quanh các dây đặt ở phía sau hệ thống và bạn có thể thu gọn các dây cáp cũ lại thành một bó. Mang Net vào “rạp hát” gia đình
Hầu hết thiết bị giải trí gia đình hiện nay đều có thể kết nối web, gồm DVR, đầu Blu-ray, bộ thu AV, game console, đầu đa phương tiện (media player) và Slingboxe, đi cùng bộ với TV. Cáp Ethernet kết nối từ router đến switch (5-8 cổng, giá rẻ) có thể kết nối tất cả thiết bị. Cáp Ethernet âm tường giúp giảm thiểu tối đa các rủi ro. Mạng qua đường điện nhà (Powerline networking) là một tùy chọn khác mà không cần thêm cáp mới. Điểm khác biệt chính giữa kết nối Ethernet và Powerline là băng thông. Với tốc độ khoảng 100Mbps của Powerline so với 1.000Mbps của Ethernet, việc chia sẻ băng thông trên các thiết bị chắc chắn sẽ khác nhau. Tùy chọn này phụ thuộc vào số lượng thiết bị mạng hoạt động tại một thời điểm. Nếu bạn muốn tải dữ liệu trên máy chủ đa phương tiện cùng thời điểm với việc xuất dữ liệu trên Slingbox hay xem phim trực tuyến trên Netflix, nên đầu tư Ethernet.
Remote cho tất cả
Sau khi cài đặt TV, bộ giải mã, DVR, đầu DVD/Blu-ray, bộ thu AV và đầu đa phương tiện, bạn sẽ bị "rối tung" với các bộ điều khiển từ xa. Hầu hết TV màn hình phẳng đều kèm bộ điều khiển từ xa đa năng, có khả năng điều khiển các thiết bị ngoại vi cơ bản nhưng chức năng bị giới hạn nên hầu như bạn phải cài đặt lại. Chẳng hạn, remote Logitech Harmony khá tuyệt, với kiểu thiết kế kết hợp màn hình cảm ứng và nút bấm, bạn có thể lập trình các nút chức năng qua PC. Ngoài ra, bạn cũng có nhiều tùy chọn khác không quá tốn kém. Một cách khác khá tốt là bạn sử dụng riêng 1 remote cho thiết bị thường dùng nhất, như DVR; còn 1 remote đa năng khác để điều khiển chung cho mọi thiết bị còn lại. Cuối cùng, nếu bạn muốn "giấu" các thiết bị trong ngăn tủ, nên thêm bộ thu sóng hồng ngoại như Salamander Chameleon Kit để tiếp nhận tín hiệu từ remote và gửi đến các thiết bị trong tủ. Cải thiện hình ảnh và âm thanh Chiếc HDTV mới đã được cài đặt và kết nối xong nhưng vẫn còn một số việc phải làm, chẳng hạn cân chỉnh cho hình ảnh tối ưu, tìm vị trí đặt loa sao cho âm thanh đạt chất lượng tốt. Sau đây là những bước cuối cùng để hoàn tất việc cài đặt “rạp hát” tại gia. Cân chỉnh hình ảnh Thiết lập đúng màu sắc, độ tương phản và độ sáng có thể phụ thuộc vào ánh sáng môi trường. Chất lượng thay đổi tùy thuộc vào các nguồn nội dung, như phim DVD, game hay TV. Sử dụng các mẫu kiểm tra chuẩn sẽ giúp bạn tối ưu hóa việc cài đặt này. Để cân chỉnh nhanh và miễn phí, bạn sử dụng đĩa phim nào được ghi theo định dạng THX. Đĩa THX DVD và Blu-ray có các công cụ cân chỉnh trong menu của DVD. Chỉ cần nhấn "THX Optimizer" và làm theo hướng dẫn trên màn hình. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu cân chỉnh, bạn điều chỉnh ánh sáng phòng ở mức bình thường; chỉnh độ nét màn hình về mức bình thường; và độ sâu màu ở mức 6500 độ Kelvin (chuẩn video, đôi khi còn gọi là D65). Một vài TV có các tùy chỉnh: Warm, Normal và Cool; hãng sản xuất cho biết tùy chỉnh nào gần với 6500K nhất. Chẳng hạn, Panasonic plasma HDTV, Warm tương đương với 6500K.
THX Optimizer có 5 mẫu kiểm tra để điều chỉnh cấu hình. Các chỉ dẫn trên màn hình sẽ cho biết bạn cần tìm cái gì, chỉnh thông số nào. Để thực hiện các bước này, tốt nhất bạn nên đứng gần màn hình. Đối với cấp độ cân chỉnh chuyên nghiệp nên nhờ dịch vụ cân chỉnh chuyên nghiệp hay tự thực hiện với các đĩa cài đặt chuyên nghiệp như Digital Video Essentials (DVE) của Joe Kane. DVE có cả đĩa DVD và Blu-ray. Đĩa Blu-ray có các mẫu kiểm tra 1080p và 720p. Cả hai 2 đĩa đều có các bộ lọc màu đỏ, xanh lá cây và xanh dương, bạn có thể giữ trên màn hình để hiệu chỉnh màu sắc phù hợp, đây là việc khó thực hiện bằng mắt một mình. Loại bỏ mờ, giật hình "Niềm kiêu hãnh" của hầu hết TV LCD mới là tần số làm tươi: 120Hz, 240Hz. Thông số này giúp làm "mượt" các pha hành động vốn hay gặp phải trên các thiết bị tần số 60Hz. Các công nghệ Smoothing (làm mượt) hay "de-juddering" (chống rung) được các hãng gọi với nhiều tên khác nhau: Motion Flow (Sony), Motion Picture Pro3 (Panasonic), Movie Plus (Samsung) và TruD (Sharp) nhưng về cơ bản tất cả các tên tự đặt này đều thêm các khung ảnh để giảm rung. Một số người thích sử dụng các hiệu ứng để hình ảnh trơn tru và cân bằng hơn nhưng một số khác cho rằng hình ảnh sẽ mất nét tự nhiên, đặc biệt đối với phim nhựa. Tỉ lệ làm tươi mặc định của phim thấp nên cho cảm giác rất khác so với video. Vì vậy, bạn có thể tắt hay giảm chế độ làm “mượt” (smoothing) đối với phim nhựa và duy trì chế độ này cho video. Kinh nghiệm thiết lập "smoothing" với nội dung khác nhau giúp bạn quyết định chọn lựa cho phù hợp nhất. Xem từng điểm ảnh Ngay cả có TV độ phân giải thực 1920 x1080 nhưng chưa hẳn bạn đã nhìn rõ từng điểm ảnh trên phim Blu-ray. Nhiều HDTV sử dụng "overscan" nghĩa là thiết lập tỉ lệ cao hơn mức bình thường (từ 2 lên 10%) và sau đó cắt các góc. Overscan giúp loại bỏ hạt thường thấy ở độ nét chuẩn nhưng điều này không có lợi đối với các tín hiệu HD thật sự. Nếu có thông báo góc của màn hình bị cắt giảm chút ít thì có khả năng chức năng overscan đang bật. Kiểm tra các thiết lập thủ công trong chế độ Zero-overscan, Full Pixel, 1:1 Pixel, Pixel-Pixel hay DotxDot (điểm-điểm). Tuy nhiên, nếu sử dụng chế độ này trong lúc hiển thị hình ảnh từ máy tính; hình ảnh sẽ bị méo và không thể đọc được. Bạn cần thiết lập độ phân giải xuất của PC trùng với độ phân giải TV. Đầu tư âm thanh vòm Theo George Lucas (người thúc đẩy THX) nhận định, mức độ hấp dẫn khi xem phim HD ngày càng tăng nếu đi kèm là một chất lượng âm thanh tuyệt hảo. Món quan trọng này là trang bị dàn loa thay vì tận dụng loa được tích hợp trong TV. Với màn hình phẳng ngày càng mỏng hơn và các cạnh cũng nhỏ hơn nên hầu hết HDTV đều không còn chỗ cho mọi thứ trừ bộ âm thanh thô sơ. Nếu không có kế hoạch trang bị dàn loa âm thanh vòm "hoành tráng", hãy thử với loa ngang (soundbar) - hệ thống âm thanh đặt ngang TV có khả năng cung cấp âm thanh vòm ảo chỉ với một kết nối (hoặc 2 nếu thêm loa trầm). Soundbar khá tuyệt cho phòng nhỏ, loại tốt giá khoảng 3.600.000đ (200USD). Nếu bạn đủ “chịu chơi” để tậu loa 5.1 hay 7.1 thì hãy đọc tiếp. Chọn bộ thu AV phù hợp
Trừ khi bạn mua bộ sản phẩm tích hợp gồm loa và bộ thu (đôi khi gồm cả đầu Blu-ray hay DVD), nếu không bạn cần phải mua thêm bộ thu AV (receiver) để giải mã âm thanh và phát ra loa. Âm thanh vòm có vô vàn chủng loại, từ các công ty như Dolby, DTS và THX. Thường trên hộp đĩa DVD hay Blu-ray có danh sách các định dạng âm thanh vòm dùng trong phim, thường khá nhiều. Quan trọng nhất là các định dạng 5.1 Dolby Digital (có trong hầu hết các DVD) và 7.1 Dolby TrueHD và DTS-HD Master Audio trên Blu-ray. Bạn cần có receiver có thể giải mã tất cả (trừ khi đầu Blu-ray có sẵn chức năng giải mã), có công suất đủ lớn cho các loa, đồng thời có đủ ngõ HDMI và một số ngõ vào khác cho các nguồn video; có khả năng chuyển đổi tín hiệu tương tự lên HD 1080p và ngõ xuất HDMI... Onkyo, Pioneer và Sony có các bộ thu xuất sắc với nhiều mức giá khác nhau. Vị trí đặt loa đúng Với loa 5.1, bạn nên đặt loa trung tâm ở giữa hoặc phía bên dưới TV, 2 loa trái/phải đặt ở 2 mép màn hình, 2 loa vòm đặt hai bên gần chỗ ngồi ngang tầm tai . Bạn có thể đặt loa trầm ở bất kỳ vị trí nào trong khu vực này, dù thông thường bạn sẽ đặt nó ở vị trí trung tâm để đi cáp thuận tiện và chỉ phải đi dây dài nhất cho loa vòm. Trong khi đó, với loa 7.1, bạn nên đặt 2 hay nhiều loa vòm phía sau chỗ ngồi. Khu vực tốt nhất để giấu các dây loa là dọc ván gỗ ghép chân tường và phía trên giá treo ảnh. Sau khi đặt loa vào các vị trí phù hợp và kết nối chúng đến bộ thu, bạn bắt đầu cài đặt và cân chỉnh âm thanh cho loa. (THX Optimizer có hướng dẫn các bước kiểm tra âm thanh vòm). Mục đích của tiến trình này giúp hệ thống loa được cân bằng và thể hiện được hiệu ứng âm thanh vòm. Bạn không cần trang bị loa 7.1 để thưởng thức Dolby TrueHD và DTS-HD Master Audio trên Blu-ray vì 2 định dạng này đều hỗ trợ loa 5.1 bằng cách kết hợp hay bỏ qua 2 kênh phụ. Phát đồng thời ra loa Nếu bạn ngại đi dây cáp, hãy dùng soundbar hay trang bị loa vòm không dây. Hiện nay, có nhiều hãng sản xuất như Panasonic và Sony đã tung ra nhiều dòng sản phẩm mới để hỗ trợ “rạp hát” gia đình có mặc định trang bị loa không dây và bạn có thể chuyển loa vòm có dây sang không dây bằng thiết bị của RocketFish (khoảng 1.800.000 đồng -100USD). Nhưng để chất lượng âm thanh tốt nhất, nên dùng loa vòm có dây của DeCorp (loa phẳng, có thể sơn màu, giấu dây). Bây giờ, bạn hãy yên tâm ngồi xuống và thưởng thức những tuyệt tác với HDTV. Theo PC World Mỹ, 9/2009 |
Home » thu thuat dac biet » Tận dụng triệt để HDTV
Tận dụng triệt để HDTV
Người đăng: Unknown on Thứ Hai, 3 tháng 5, 2010
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét